Trẻ em do sức đề kháng còn kém nên thường dễ bị mắc các bệnh như dị ứng, nhiễm khuẩn và các rắc rối có liên quan đến tình trạng khó tiêu. Vì vậy, mẹ nên chọn những thực phẩm có tác dụng ngăn ngừa nhiễm khuẩn để bảo vệ hệ tiêu hóa của con.
Nước
Đối với trẻ em, lựa chọn tối ưu nhất là nước đun sôi để nguội. Ngay cả khi đi học hay đi chơi, bạn cũng nên chuẩn bị cho con bình nước riêng để mang theo để trẻ có thể uống bất cứ lúc nào cảm thấy khát và để đối phó với tình trạng không khí ẩm ướt trong mùa mưa hay không khí quá khô vào mùa hanh. Khi cơ thể được bổ sung đủ lượng nước thì sẽ có sức chống chọi được với những thay đổi về thời tiết.
Thức ăn hấp chín
Những thực phẩm lành mạnh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng cho trẻ lại được chế biến theo phương thức hấp chín thì quá tuyệt vời. Bạn nên tránh cho trẻ ăn những thức ăn chiên, rán nhiều dầu, mỡ sẽ làm tăng nguy cơ khiến trẻ béo phì và có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
Các chất chống ô-xy hóa
Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ cần tập trung nhiều vào những thực phẩm chứa hàm lượng chất chống ô-xy hóa cao. Những chất này góp phần cải thiện hoạt động của hệ thống miễn dịch và bảo vệ trẻ khỏi các loại bệnh thông thường khác nhau. Nhóm thực phẩm giàu chất chống ô-xy hóa gồm có bí đỏ, bầu, các loại quả mọng, trái cây giàu vitamin C,…
Nước ép tự làm tại nhà
Thay vì đi mua những loại nước ép đóng hộp sẵn, đây vốn là những loại đồ uống chứa nhiều đường và chất bảo quản, hoặc nước ép tại những hàng quán vỉa hè, vốn không đảm bảo về chất lượng cũng như vấn đề vệ sinh thực phẩm, bạn nên tự mua các loại hoa quả tươi để làm các loại nước ép cho con mình mỗi ngày. Loại đồ uống này rất giàu các dưỡng chất thiết yếu cho hoạt động miễn dịch của cơ thể, giúp phòng tránh các căn bệnh nhiễm khuẩn lây lan qua đường nước uống.
Trái cây
Trái cây là thực phẩm không thể thiếu cho sự phát triển lành mạnh về thể chất của trẻ. Bạn nên thường xuyên bổ sung thêm trái cây vào khẩu phần ăn hàng ngày của con và tập cho con ăn đa dạng các loại quả, đặc biệt là những loại quả giàu dinh dưỡng, dễ nhai và nuốt như chuối, đu đủ, xoài, bơ, táo, lê…
Rau xanh
Cũng giống như trái cây, rau xanh cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe, chúng góp phần ngăn ngừa các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp. Tuy nhiên, bạn nên chọn mua đồ còn tươi, mới, không bị dập nát, thối rữa. Trước khi chế biến, bạn cần phải rửa rau thật sạch và ngâm với nước muối loãng nhằm hạn chế lượng tồn dư của thuốc trừ sâu bám trên rau, vốn có thể gây hại cho cơ thể non nớt của trẻ.
Thức ăn nấu chín
Tuyệt đối không cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi ăn những thức ăn sống hoặc chín tái vì chúng khả năng đưa vi khuẩn vào cơ thể của trẻ. Do đó, khi chế biến các món ăn cho con mình, bạn nên để cho món ăn chín hoàn toàn.
Các sản phẩm từ thịt
Hiện nay, các loại thức ăn có chứa thịt thường dễ bị nhiễm khuẩn do quá trình chăn nuôi, giết mổ trước khi đưa ra thị trường. Để tránh tình trạng này, bạn cần chế biến cẩn thận, nấu chín kỹ. Không cho trẻ ăn trứng hoặc hải sản chưa được nấu chín hoàn toàn nhằm ngăn ngừa các bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tiêu hóa.
Thuốc bổ
Nếu muốn bổ sung thêm thuốc bổ cho trẻ, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để chọn loại thuốc phù hợp với thể trạng và sức khỏe của con mình cũng như cách sử dụng và liều lượng thích hợp. Thuốc bổ sung các vitamin và khoáng chất giúp trẻ có sức đề kháng để phòng tránh các bệnh lây nhiễm hiệu quả hơn.
Theo giadinh.net