Để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, đặc biệt là các em bé, trong thời đại béo phì đang trở thành vấn đề nghiêm trọng như hiện nay thì bạn nên ghi nhớ những quy tắc vàng dành cho bữa tối mà bài viết dưới đây đưa ra.
Trong nhịp sống hiện đại, bữa ăn tối là bữa ăn quan trọng, được lưu tâm nhất trong ngày bởi đây là khoảng thời gian mà các thành viên trong gia đình cùng nhau xum họp sau một ngày đi học, đi làm. Tuy nhiên, mọi người đều biết rằng buổi tối là thời điểm mà chúng ta không nên ăn quá nhiều, cả về số và chất lượng, nếu không nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, tim mạch, béo phì, kể cả suy dinh dưỡng sẽ rất cao.
Để trẻ tự lấy phần ăn của mình
Các bậc phụ huynh thường xới cơm, lấy thức ăn, canh, rau cho con em mình để kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ, nhưng làm như vậy là bạn đang tước bỏ đi một bài học quan trọng đối với trẻ. Khi trẻ tự lấy đồ ăn, tự phục vụ bản thân, các em sẽ hiểu được cơn đói, khẩu vị của mình.
Khi được tự lấy thức ăn, trẻ thường muốn thử những món mới khiến khẩu vị của trẻ phong phú hơn, từ đó dễ thích ứng với các loại thực phẩm hơn.
Kéo dài bữa ăn thêm 4, 5 phút nữa
Theo một số nghiên cứu, trẻ có cân nặng chuẩn thường ăn bữa tối trong khoảng 18 phút, trong khi đó, trẻ thừa cân ăn trong 13,5 phút. Việc ăn chậm, nhai kỹ hơn khiến trẻ không có tâm lý ăn vội vàng, ăn xong để chơi.
Nên để lại chút ít thức ăn
Quy tắc này có lẽ hơi trái ngược với điều mọi người thường được khuyên rằng phải ăn hết mọi thức ăn đã lấy để tránh lãng phí, các bậc cha mẹ thì thường có xu hướng ép con phải ăn hết khẩu phần ăn đã được định sẵn.
Nhưng một nghiên cứu của trường đại học Y Harvard, Hoa Kỳ, đã chỉ ra rằng, những trẻ bị ép phải ăn hết khẩu phần sẽ có xu hướng ăn thêm 35% đồ ngọt khác trong ngày.
Thay vì ép ăn hay cấm con trẻ ăn đồ ngọt, cha mẹ nên nghiên cứu một khẩu phần hợp lý để con có hứng thú với những đồ ăn vặt lành mạnh khác.
Không đem thiết bị điện tử vào bữa ăn
Việc cha mẹ dụ con ăn bằng cách cho con xem ti vi, điện thoại hay ipad,… thường dẫn đến hậu quả là con không tập trung vào việc ăn, không cảm nhận được mùi vị thức ăn, ăn một cách vô thức. Điều này vô cùng có hại cho trẻ, trẻ sẽ ăn ít các thực phẩm bổ dưỡng, ít giao tiếp với bố mẹ.
Một thống kê cho thấy, các gia đình thường xuyên dùng các thiết bị điện tử, truyền thông trong khi dùng bữa cũng ăn ít rau, củ và hoa quả tươi hơn đồ ngọt. Sự mất tập trung lúc ăn cũng nguy hiểm không kém việc lái xe mà không tập trung. Những người không tập trung khi ăn sẽ ăn nhiều thực phẩm hơn 10% so với bình thường.
Dùng bát đĩa nhỏ hơn
Các cụ ta có câu “No bụng, đói con mắt”, theo một nghiên cứu khoa học, việc dùng bát đĩa to sẽ khiến trẻ yêu cầu được ăn nhiều hơn 22% so với bình thường.
Với người lớn, dùng bát đĩa to cũng khiến họ ăn nhiều hơn 16%. Bạn nên dùng loại bát đĩa có kích thước phù hợp với lứa tuổi của con.
Hỏi xem trẻ có đói không
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Illinois, Mỹ, khuyên rằng nếu bố mẹ đưa ra những câu hỏi đúng thời điểm có thể giúp trẻ hiểu được cảm giác no, đói của cơ thể. Khi thấy con đã ăn hết, bạn nên hỏi “Con thấy no chưa?” hoặc “Con muốn ăn thêm món này không?” để trẻ được xây dựng thói quen ăn uống một cách từ từ thay vì phụ huynh sắp xếp mọi thứ sẵn sàng cho trẻ.
Thử các loại thực phẩm mới
Càng ngày tỷ lệ trẻ không ăn rau, củ càng tăng, chỉ có 1/5 trẻ thường ăn thực phẩm này, đây quả là một con số đáng lo ngại. Để trẻ không còn tìm cách “trốn” ăn rau, cha mẹ cần một “kế hoạch” tỉ mỉ và lâu dài.
Trước tiên, bạn không nên qúa ép trẻ phải ăn rau gây tâm lý không tốt ở trẻ. Ban đầu, bạn có thể cho trẻ ăn thử mỗi ngày một món rau mới trong 2 tuần. Tiếp đó, bạn cho con tự chọn những gì chúng muốn ăn bằng cách cho chúng đi chợ cùng để chọn thực phẩm, có thể con bạn sẽ chọn những loại mà chúng chưa bao giờ ăn trước đây, nhưng chắc chắn một điều rằng những món mà con chọn sẽ được ăn nhiệt tình hơn.
Làm ví dụ cho trẻ
Theo thông kê được tiến hành trong 5 năm gần đây, lượng calo mà chúng ta dung nạp trong các bữa ăn ở ngoài đã tăng lên 43%. Cha mẹ bận rộn công việc, ít thời gian nấu nướng, thường có xu hướng mua đố ăn được nấu sẵn ngoài hàng, đồ ăn nhanh cho con. Từ đó tạo thói quen ăn uống không khoa học cho trẻ.
Dù bận rộn thế nào đi chăng nữa thì bố mẹ cũng nên cố gắng chế biến đồ ăn tại nhà, đơn giản và đủ dưỡng chất. Như vậy vừa tạo được không khí gia đình ấm cúng, vừa đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vừa tạo thói quen ăn uống tốt cho con.
Lan Thảo